TÌM KIẾM

Lịch sử ra đời xe Hybrid

22 / 07 / 2017

       Gần hai thập niên qua sự phát triển bùng nổ về công nghệ của ngành công nghiệp sản xuất  ô tô như: ứng dụng điện tử, tin học, vật liệu mới,… để nâng cao chất lượng và độ an toàn cho con người. Bên cạnh đó xe Hybrid cũng có sự phát triển đáng kể từ những năm 2000 cho thấy tương lai sáng sủa của sản phẩm công nghệ này. Tuy nhiên, ít người biết rằng những chiếc hybrid đã xuất hiện từ hơn một thế kỷ trước.

         Trong năm 2005 thị trường đã sự phát triển vượt bậc cả về chủng loại và số lượng các mẫu xe hybrid tại khu vực Bắc Mỹ. Có đủ mẫu mã, từ những chiếc Honda Insight hai chỗ cho tới xe pick-up Chevrolet Silverado cỡ lớn. Xe sedan và SUV thì góp mặt đầy đủ những tên tuổi lớn nhất: General Motors, Ford và Toyota. Tóm lại, hybrid ngày nay là một phần của thế giới ôtô.

Chiếc Lohner-Porsche trong bảo tàng

         Người mua xe hybrid thường cho rằng mình là những người đi tiên phong cho một xu hướng mới. Nhưng các chuyên gia trong ngành công nghiệp ôtô đều biết rõ rằng, ngoài lĩnh vực thuần túy liên quan đến công nghệ điện tử, nhiều đặc điểm của xe hiện đại như động cơ multi-van hay phanh đĩa, mâm đúc đã xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ trước. Công nghệ hybrid cũng vậy, ít nhất là theo những gì Toyota, hãng đi đầu trong chế tạo xe loại này, cho biết:

         Hơn một thế kỷ trước, theo nghiên cứu của Toyota, một người tên Piper đã đề nghị cấp bằng sáng chế về một dạng động cơ kết hợp giữa xăng và điện như các hệ thống hybrid ngày nay. Mục đích của Piper lúc đó là làm sao giúp chiếc xe tăng tốc lên 40 km/h trong khoảng chưa đến 10 giây, vào thời buổi mà tốc độ xe ôtô trung bình phải mất hơn nửa phút để đạt tới con số trên. Ý tưởng hết sức độc đáo nhưng Piper đã không gặp thời. Sự bùng nổ xe gắn máy hai bánh vào đầu thế kỷ trước đã khiến sáng chế của Piper rơi vào quên lãng. Giá nhiên liệu rẻ mạt, không có bất cứ quy định nào về khí thải khiến cho người sử dụng ôtô và xe máy đều không quan tâm tới các hệ thống động cơ lạ lẫm.

          Nghiên cứu của Toyota còn chỉ ra rằng tại Pháp, công ty Ôtô điện Paris đã chế tạo một loạt xe điện và hybrid trong những năm cuối thế kỷ 19 và đầu 20. Các nhà sản xuất xe Pháp thực sự là những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp xe hơi. Đất nước hình lục lăng này từng là nơi chế tạo ôtô lớn nhất thế giới cho tới khi bị nước Mỹ chiếm mất vị trí. Tiếc là lúc đó, những hãng xe lớn nhất nước Pháp lại hoàn toàn vắng bóng ở thị trường Bắc Mỹ. Một trong số những xe hybrid của công ty Ôtô điện Paris, mang tên Kreiger, là xe dẫn động bánh trước và có tay lái trợ lực. Khi đó mới chỉ là năm 1903.

        Trong buổi bình minh của ngành công nghiệp ôtô, một công ty tại Áo mang tên Lohner đã chế tạo một mẫu xe, trong đó động cơ điện được gắn gần bánh xe và truyền lực thẳng tới các bánh. Một người nổi tiếng về sau này trong ngành công nghiệp xe hơi, Ferdinand Porsche, lúc đó có mặt trong số các công nhân tham gia hoàn thiện mẫu xe này. Chính ông là người sẽ thực hiện những kỳ công với xe Volkswagen Beetle và lập ra hiệu xe thể thao nổi tiếng mang tên mình, Porsche. Sự tham gia của Porsche chắc chắn là rất đáng kể bởi vì những chiếc xe này được gọi là Lohner-Porsche. Mẫu xe rất gần với xe hybrid ngày nay do động cơ xăng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho động cơ điện. Vì thế, các nhà nghiên cứu của Toyota đã coi về cơ bản đây là một chiếc xe hybrid.

        Trong giai đoạn nửa đầu của thế kỷ trước, còn có nhiều tên tuổi khác tham gia chế tạo xe hybrid như General Electric và Woods Motor Vehicle (đều của Mỹ), Siemens-Schukert (Đức). Woods đã giới thiệu mẫu xe Dual Power vào năm 1917, kết hợp động cơ điện và xăng để đạt vận tốc 56 km/h. Nếu chỉ sử dụng động cơ điện chiếc xe cũng có tốc độ chừng 32 km/h. Thậm chí, một công ty tên Walker tại Chicago còn cho ra lò cả xe tải hybrid vào đầu những năm 1940.

        Galt Motor là công ty đầu tiên của Canada trong lĩnh vực này. Năm 1914, công ty xuất xưởng chiếc Galt sử dụng động cơ xăng 2 thì có 2 xi-lanh, công suất 10 mã lực và một máy phát điện 40V, 90A. Theo công ty, người lái chạy được liên tục 112 km mà chỉ tiêu tốn hơn 3,5 lít nhiên liệu và có thể thêm khoảng 30 km nữa với bình điện. Nhưng tốc độ tối đa 48 km/h của xe không gây ấn tượng với khách hàng, những người vào thời điểm đó đã chọn kiểu xe động cơ thông thường để có hiệu năng cao hơn.

        Cần phải nói thêm rằng hệ thống hybrid còn được ứng dụng nhiều năm cả trong ngành xe lửa, tầu thủy, thiết bị xây dựng và tại các công trường xây dựng. GM từng có những chiếc máy xúc cỡ lớn với một động cơ diesel sản sinh năng lượng cho từng động cơ điện tại mỗi bánh. Ngay nay các hãng Volvo, Komatsu,... đã sản xuất ra những chiếc máy xúc Hybrid.

        Mẫu xe hatchback Toyota Prius đời 2005 có động cơ xăng 78 mã lực và động cơ điện 67 mã lực. Hai động cơ này kết hợp trong hệ thống mà Toyota gọi là "Hybrid Synergy Drive". Hệ thống cho phép xe sử dụng động cơ điện, động cơ xăng hay cả tùy thời điểm, biến Prius thành một chiếc hybrid thật sự.

       Xe hybrid có một lịch sử lâu đời hơn phần lớn chúng ta biết và có thể những người đi tiên phong sẽ rất ngạc nhiên nếu họ biết rằng đầu thế kỷ 21 công nghệ mà họ từng ứng dụng này lại nhận được sự chấp thuận rộng rãi.

                                                                                                                                                 Theo vnexpress.net